Rác thải nhựa tái chế tại Heredia, Costa Rica. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các nhà khoa học Australia mới đây đã công bố công nghệ tái chế mới, được đánh giá sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề xử lý rác thải tại quốc gia này.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney của Australia đã phát triển thành công phương pháp tái chế rác thải nhựa, sử dụng lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác (Cat-HTR). Công nghệ xử lý rác thải nhựa đã được cấp bằng sáng chế này sử dụng nước nóng áp suất cao, biến đổi rác thải nhựa ở cấp độ phân tử trở lại thành dầu mỏ.
GS. Thomas Maschmeyer và TS. Len Humphreys - các tác giả của công nghệ mới này cho biết, giải pháp này có thể xử lý được tất cả các loại nhựa, trong đó có những loại nhựa không thể tái chế hiện nay.
Theo TS. Humphreys, công nghệ này sẽ đưa rác thải nhựa trở về trạng thái tiền chất ban đầu, sau đó có thể tái chế thành bitum, xăng hoặc các loại nhựa khác nhau.
Ông Humphreys cũng cho biết, không giống như phương pháp tái chế vật lý truyền thống, phương pháp này không yêu cầu phải phân tách nhựa theo chủng loại và màu sắc, đồng thời có thể sử dụng để tái chế nhiều lần tất cả các sản phẩm nhựa.
Sau khi được thử nghiệm tại Australia trong vòng 1 Thập kỷ qua, công nghệ này đã sẵn sàng được đưa ra thị trường. Công ty Licella cho biết, 1 nhà máy tái chế sử dụng công nghệ này có thể xử lý khoảng 20.000 tấn nhựa mỗi năm. Để xử lý toàn bộ rác thải của Australia sẽ cần hàng chục nhà máy như vậy.
Theo số liệu của Australia, nước này thải ra 3,5 triệu tấn nhựa/năm, nhưng hiện chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Số còn lại sẽ được đốt cháy, chôn lấp hoặc vận chuyển ra nước ngoài.